Ai đã đặt tên cho dòng sông?

Trong chính tác phẩm "Đất nước" được trích từ "Trường ca mặt đường khát vọng" ta đã thấy cái màu nước xanh trong của tuổi mười tám đôi mươi đến cái bắt nước từ đâu lạ kì mà duyên dáng, dòng sông con nước là dáng hình của người Việt Nam của một vùng văn hóa xứ sở:
"Nước là nơi em tắm"
Và:"Những dòng sông bắt nước từ đâu
Mà khi về nước mình thì bắt lên câu hát"
Nguyễn Khoa Điềm đã nhìn với một cách bao quát như thế, thơ ca thì không có nhiều đất diễn, chỉ có người đọc tự suy nghiệm và ngẫm nghĩ. Thế rồi ta cứ đợi hoài thì cũng đến một ngày dòng sông cụ thể, một mảnh điêu khắc trác tuyệt của Việt Nam đã hiện lên với một thể loại mang tên tùy bút, không khỏi làm ta tò mò và hứng thú dưới góc nhìn ấy của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Dòng sông Hương của xứ Huế dịu hiền đã hiện lên một cách tổng quan nhất, nhưng ở mỗi tác phẩm cái phản phất lại vẫn là cái đậm chất nhất, ở một lối so sánh rất ngọt và một cái nhìn rất sâu. "Ai đã đặt tên cho dòng sông" gây ấn tượng từ cái nhìn đầu tiên, vào cái khúc thượng nguồn đầu bài "Trong những dòng sông" đến "chân núi Kim Phụng" đã đủ để người đọc phải xít xoa sau khi chiêm ngưỡng dòng sông Hương qua một trang sách.
Đến với Huế là đến với một sinh khí trầm mặc như "một tiếng vâng không nói ra của tình yêu" cứ lặng lẽ âm trầm sẽ khác lắm với một Tokyo nhộn nhịp, với New York hào nhoáng, Huế cứ lẵng lờ trôi theo nhịp chảy sông Hương như thế. Hoàng Phủ Ngọc tường là một nhà văn đã đi nhiều nơi, với ông mỗi chuyến đi là một cuộc hành trình khám phá về vùng miền, mảnh đất mới với những địa danh nổi bật hay những ngỏ hẻm bình dị. Sẽ khác với quan điểm của Nguyễn Tuân "khi tôi chết hãy thuộc da tôi làm va li", Hoàng Phủ Ngọc Tường không muốn xê dịch hay ngông, mà thích dịu dàng say đắm với cảnh sắc. Trong những chuyến hành trình của mình ông đã khắc ghi rất nhiều thứ, mà cho đến khi ông đã không còn đủ sức khỏe để tiếp tục ngao du nữa thì bút lực vẫn mãnh liệt để truyền tải đầy đủ ý nghĩa thông tin mà nhà văn muốn người đọc biết đến. Với "Ai đã đặt tên cho dòng sông" ra đời vào năm 1981, khi nhà thơ vẫn đang nằm trên giường bệnh. Ấy vậy mà tùy bút vẫn đông đầy cái mùi vị của sông Hương như nhà văn đã đứng trên bờ bãi sông Hương mà soi rọi vào áng văn. Qua lời giới thiệu mở đầu hình tượng sông Hương đã được khai phá theo một cách ví von rất thú vị mà không phải ai cũng có thể dẫn ta đi dọc sông Hương với vẻ buồn vốn có và theo một cách rất trí tuệ như thế.
Ngay ở lời dạo đầu, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã cố tình nhấn vào điểm mạnh của sông Hương để nhắc đến "chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất" so với những "dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến", bởi sông Vôn ga thuộc về  cả cho thành phố Vôn ga rat và Nít ny No gô rốt, sông Nin rồi sông Mê Kong thuộc về biết bao nhiêu thành phố không đếm xuể. Thế nên sông Hương có chăng là quá mặn mà, gốc tích rõ ràng và thêm phần thủy chung son sắt. Nếu ở tình huống giới thiệu này, một nhà tùy bút mà viết qua loa sơ sài thì cũng chỉ dừng ở mấy câu rời rạc, nhưng với Hoàng Phủ Ngọc Tường thì trong lời dẫn dắt đấy là một quá trình tích góp kinh nghiệm qua mỗi chuyến đi, và đến hôm nay chỉ cần vỡ lẽ ra một câu mà ôm hết kiến thức địa lí "chỉ" thôi, chỉ một dòng sông ấy của quê hương ta là đặc biệt theo cách cá nhân như thế.
Soi rõ vào bản chất của dòng sông Hương, nhà văn nhận thấy nó chẳng khác nào một con người, cũng dịu dàng say đắm, khi thì lại mãnh liệt vô cùng. Qua mỗi đoạn đường, sông Hương như biết cách đối mặt với điều kiện ra sao, "giữa bóng cây đại ngàn" thì sông Hương trở nên mạnh mẽ và cuồng nhiệt như thể "nó đã là một bản trường ca của rừng già", cứ thế rồi "rầm rộ", "mãnh liệt" xoắn theo ghềnh thác. Cái rầm rộ ấy cứ làm ta liên tưởng đến "Nhớ rừng" của nhà thơ Thế Lữ:
"Nhớ cảnh sơn lâm bóng cả, cây già
Với tiếng gió gào ngàn, với giọn nguồn hét núi"
Trong phong thái ấy, ít nhất là phải như thế, cứ mạnh mẽ róng riết với non cao cho thỏa thích tấm lòng trong trắng. Để rồi có khi lại được trở về là chính mình trong cái "dịu dàng say đắm giữa những dặm dài chói lọi của hoa đỗ quyên rừng", không phải là sông Hương lại thích đổi tính đổi nết, mà do cảnh vật ấy muôn hoa đua nở, thì dòng sông sao chẳng khỏi vươn vấn hương sắc của cái đẹp. Thế ấy mới hết phần cuốn hút, dưới ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường, có cảm giác như lúc nào sông Hương cũng được nâng niu, dù là ở tính cách nào thì ta vẫn thấy nó làm ta cuống hút. Không ngoa chút nào khi nói rằng, thiên nhiên mang dáng hình và tính cách của con người. Từ cây cỏ hoa lá đến dòng sông con nước. Sông Hương lặng lẽ bao năm tháng mang nước về cho người dân đất Huế như "người mẹ phù sa" ngày này qua tháng nọ bồi đắp cho ruộng đồng gò bãi thêm giàu có. Rồi sông Hương trong thơ Hàn Mạc Tử, trong thơ Nguyễn Du, có phải sông hương cũng nặng lòng lắm với tâm sự của những chàng thanh niên chưa thõa mộng yêu đương, ân ái trước cuộc đời. Nhưng đã bao giờ bạn nghe một dòng sông than thở trách đời bạc bẽo, ta chỉ có thể thấy được cái lạc quan của dòng sông trữ tình "sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di - gan phóng khoáng và man dại" bởi vì nó cũng biết cách đổi mới mình, tích lũy và tôi luyện khi "rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ", quả thật dòng sông đã không trôi một cách vô vị, mà trong cách hiến dâng ấy, ta thấy cái đẹp của dòng sông, mà đẹp ở đâu thì chỉ cần nhìn ở những cách nhân hóa mà nhà văn nói về sông Hương, đã dịu dàng lại còn mãnh liệt, vốn dĩ không nhạt nhẽo mà đầy sắc thái.
Nếu nói về hoa thì sẽ thế này "Hoa là trí nhớ của đất, và đất này thì tưới nhiều máu, nên cây có hoa màu đỏ. Có nhiều điều quan trọng của mãnh đất này mà con người đã quên đi, cây cỏ nhắc lại." (Bông ngũ sắc, Hoàng Phủ Ngọc Tường). Căn nguyên tồn tại trên đời là thế, là cố gợi, cố góp và sinh tồn, bất kể là điều gì cũng thế, nếu không có lí do thì nó vốn cũng chẳng được sinh ra. Nếu ta chỉ biết nghĩ đến cái vẻ "mặt kinh thành", thì ta chỉ thấy sông Hương dịu dàng, hoang dại, chỉ biết theo qui luật mà chảy. Nhưng để đào sâu vào cái cốt lõi như chính loài hoa đỏ ấy, ta lại thấy sông Hương ẩn mình trong lớp ngoài tươi trẻ của một cô gái Di - gan dám dấn thân vào chốn rừng Trường Sơn, thì nội tâm của nó là một cái già rất đõi già cõi như cái danh xưng "người mẹ phù sa". Nặng lòng chở theo phù sa dù "gian truân" cũng cố vượt qua. Thế nên dù cố tìm cũng chẳng thể đào sâu được mà hiểu. Không phải cứ như Nguyễn Tuân quay thước "phim ảnh trong thu được trong lòng giếng xoáy tít đáy". Mà ở đây bên trong bộ mặt kinh thành là một nội tâm, nỗi niềm tâm sự, đây là hướng đi mà từ đầu đến cuối đoạn văn này, Hoàng Phủ Ngọc tường vẫn muốn hướng đến. Muốn cho sự vật cất lên lời thầm thì về giá trị của riêng mình, sông Hương hiện lên qua đây không phải là quảng bá hình ảnh Việt Nam khô cứng với dòng chảy lạnh lùng không cảm xúc. Mà đó chính là cái dao động của lòng sông, những nỗi niềm mà dù rằng, con người có cố hấp tấp mà nghĩ ra cũng chẳng đúng. Bởi nó đã "đóng kính lại" rồi "ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng", chỉ biết rằng ở một khía cạnh nào đó sông Hương bao dung và nuôi lớn con người. 
Thế nên cũng vì thế chăng mà một "nhà thơ từ Hà Nội đến đây", xít xoa mà thốt lên câu hỏi "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" Bởi nó hợp với tính cách của dòng sông quá, "hương" vốn dĩ là danh từ mà ai chẳng thích để miêu tả cái đẹp. Đến nay "sông Hương" lại là địa danh mà bất kì người con Việt Nam nào cũng tự hào bởi cái đẹp ẩn nấp, tiềm tàng cả về nông nghiệp, du lịch, và đời sống tinh thần của người dân quanh vùng. Đến khi bạn đi xa mới biết quý cái vị quê nhà bởi chính Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã nói "sông Nê - va đã chảy nhanh quá" nên giờ thì quý cái điệu "chảy lặng lờ" của con sông. May ra Hoàng Phủ Ngọc Tường đã kịp cho ta một bài về sông Hương thật hay. Biết quý từ dòng sông đến con nước quê mình để không bị kém may như nhân vật Nhĩ (Bến quê - Nguyễn Minh Châu). Thế nên ta thấy nhà văn hết sức mẫu mực trong cách lấy đề tài. Ở thể tùy bút cũng đã khâm phục lắm cái tài của nhà văn, bởi đây là thể loại khó, dễ nhằm lẫn với tùy bút, nhưng ở mặt khác cũng có người nói rằng ở đây tuy hai mà một. Thế mà vẫn tạo chất riêng trong cách giới thiệu rất mượt, cách so sánh và liên tưởng rất say mê, diu dàng thấu đáo. Hay như "đệ nhất võ lâm" ở thể ký - Nguyễn Tuân nhận xét: "Ký Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa."
Đọc qua đoạn văn đầu bút ký "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" lại muốn đọc tiếp, muốn khám phá nhiều nét mới hơn về sông Hương sau khi qua thượng nguồn rồi sẽ thế nào? Thay đổi những gì? Nhưng dừng ở đó cũng là để ta chiêm nghiệm một chút về sông Hương của đất nước mình. Chuyến hành trình giá trị về sông Hương ấy có lẽ sẽ là một dấu ấn chẳng hề phai trong trái tim Hoàng Phủ Ngọc Tường. Sẽ không chỉ có riêng sông Hương là đẹp, nhưng nó biết cách giữ cái đẹp, dù là vượt qua nơi nào đẹp theo cách riêng và chỉ chung thủy với một nơi thành phố. Độc giả sau khi đọc xong bài tùy bút này, lại muốn xách ba lô lên và đến ngay với Huế để lần mò theo những cách rừng nơi có dòng sông mang hương đi mọi nơi. Một đoạn trích với phần đầu rất hay, và với độ thẩm mỹ này, nó đã trở thành một giá trị, và rồi sẽ tự biết cách khẳng định mình, không để cho quy luật sinh tồn đào thải.




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Công việc của nhà văn là phát hiện cái đẹp chính ở chỗ mà không ai ngờ tới...

"Truyện ngắn là cách cưa lấy một khúc đời sống" - Tô Hoài

Thạch Lam " Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay quên lãng...."